TPHCM tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm thành phố bằng các giải pháp như thu phí xe vào giờ cao điểm, số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ.
Chính sách thu phí kẹt xe nhằm giảm giao thông cá nhân được UBND TPHCM đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp cuối tuần này.
Theo đồ án, TPHCM sẽ tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm thành phố bằng các giải pháp: Thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ.
Về lâu dài, TPHCM sẽ mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai Metro trong khi hệ thống Metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng (tuyến số 1, 4, 5, 2, 3, 6).
Khi đó, TPHCM sẽ phát triển các nhà ga Metro chính thành các trung tâm giao thông xanh như bố trí tiện ích các bãi đỗ xe và điểm sạc cho phương tiện thân thiện môi trường phục vụ cho các hành trình đầu/cuối; bố trí điểm đỗ xe cho các phương tiện chia sẻ…
Năm 2021, một nhà đầu tư đã đề xuất dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm TPHCM theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ).
Theo đề xuất, hệ thống thu phí xây dựng bao quanh Quận 1, 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng, với một trung tâm xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Doanh nghiệp dự kiến tổng mức đầu tư dự án gần 2.280 tỉ đồng, trong đó chi phí ban đầu khoảng 478 tỉ đồng và gần 1.800 tỉ đồng cho chi phí vận hành của 10 năm sau đó.
Thời gian thu dự kiến áp dụng trong các khung giờ cao điểm, mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ôtô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ôtô biển xanh.
Taxi đăng ký tại TPHCM sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe. Xe buýt cùng các loại phương tiện thuộc nhóm ưu tiên như cứu hỏa, cứu thương… được miễn phí. Việc thu phí chỉ áp dụng với xe vào khu trung tâm.
Thống kê đến cuối năm 2023, TPHCM quản lý hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó hơn 940.000 ôtô, gần 8,3 triệu xe máy (so với cùng kỳ năm 2022, lượng phương tiện tại thành phố tăng 4,64).
Hiện tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TPHCM chỉ đạt hơn 13%, kém khoảng 10% quy chuẩn. Mật độ đường giao thông đạt 2,34 km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn. Giao thông ở nhiều tuyến đường đã vượt quá năng lực khai thác nên thường xuyên ùn tắc.
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, TPHCM đang triển khai song song hai đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030.
Thành phố phấn đấu đưa vào khai thác Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) năm 2024 và tuyến Metro 2 (Bến Thành – Tham Lương) năm 2030.
Song song, thành phố cũng chú trọng phát triển giao thông công cộng, xe đạp công cộng, mạng lưới xe buýt kết nối Metro.
Theo ông Trần Quang Lâm, ngành giao thông đang cố gắng đến năm 2030, giao thông công cộng đáp ứng hơn 30% nhu cầu đi lại của người dân. Trên cơ sở đó, TPHCM sẽ từng bước hạn chế, khoanh vùng một số khu vực để hạn chế xe cá nhân, nhất là xe hai bánh.